Vẫn còn mãi âm vang Bài Đội Ca hào hùng!

Tiêu chuẩn

 Báo Điềm Đạm Lê Bá Ngữ

Trưởng Báo Điềm Đạm (ngồi giứa) và các Đội Trưởng, Thiếu Đoàn Đinh Bộ Linh, Huế.1969

Sáu, bảy tuổi tôi đã biết đến “xì cút”, biết đến “luvờtô” rồi! Cậu ruột tôi vào dạy ở Quảng Ngãi, nên đưa gia đình vào theo, và cả nhà tham gia “xì cút” trong đó. Hàng năm, cứ gần nghỉ hè, tôi lại thấp thỏm chờ đợi cậu mợ và các em tôi về quê, nghỉ hè tại phủ thờ Hoà Quốc Công trên khu vườn đồi Long Thọ, của ông bà ngoại tôi.

Sau gần một năm dài xa cách, anh em chúng tôi mừng rỡ được gặp lại nhau, thường rủ rê nhau tụ tập ngoài vườn, dưới tàng cây nhãn sum suê, mát mẻ, để cùng nhau chơi trốn tìm, đánh bi, đá kiện và cả các trò chơi, các bài hát của “luvờtô”. Thích nhất là trò chơi hoạt náo, kể chuyện Akêla dẫn Mu-Li và bầy sói, tìm bắt lão hổ thọt Serơkhan, cắt cổ, xẻ thịt, lột da, trải lên hòn đá hội đồng.

Trò chơi bắt đầu bằng bài hát:
“Xưa tại chốn lâm cùng
Hùm Serơkhan hung bạo…”

Và kết thúc bằng khúc ca tiếng Pháp: “Mougli chasse”. Đứa nào cũng muốn thủ vai Mu-Li, cậu bé rừng xanh “huyền thoại” và sợ đóng vai Serơkhan khốn khổ, bị cắt cổ, lột da.

Có lần bạn tôi hỏi:
– Cậu mi vô Hướng đạo, còn các anh em mi là Sói con phải không?
Tôi gân cổ, hãnh diện cãi lại:
– Không phải! Cậu tau vô xì cút, còn mấy em tau là luvờtô, không phải hướng đạo, không phải Sói con!
Về sau tôi mới hiểu rõ: xì cút là hướng đạo, luvờtô là Sói con!
– Thì ra mình dốt quá!

Thi đỗ xong cái bằng cấp đầu tiên, bằng sơ học yếu lược, còn gọi là bằng tuyển sanh, trường làng không có lớp học cao hơn, nên tôi phải về thành phố dự thi tuyển vào lớp nhì, trường tiểu học Chaigneau (nay là tiểu học Lê Lợi). Do đến trường thi trễ, bị cụ đốc Thái la mắng, tôi sợ quá, bỏ thi, bỏ về luôn. Sau đó, mẹ xin cho tôi vào học lớp nhì nhất niên trường dòng Thánh Tâm, ở xã kế cận – thuở ấy, bậc tiểu học có đến hai lớp nhì (lớp 4 ngày nay) lớp nhì nhất niên (cours moyen première année) và lớp nhì nhị niên (cours moyen deuxième année).

Sau một thời gian theo học trường Thiên Chúa giáo, thấy tôi ngoẻo đầu đọc kinh, mải mê ngắm các tượng Đức Mẹ, sợ tôi đi đạo, nên mẹ tôi cho vào ban Đồng ấu Phật tử (tiền thân của gia đình phật tử sau này) thuộc Khuôn hội Phật giáo Dương Biểu. Tham gia sinh hoạt ở ban Đồng ấu Phật tử, tôi gặp các anh trường ban đều là huynh trưởng Hướng đạo: anh Văn Đình Hy, Bầy trưởng; anh Lê Quang Đạt, Tráng sinh. Do đó, ngoài những bài ca Phật giáo như Nam mô A Di Đà Phật, Gương từ bi, Trầm hương đốt, chúng tôi còn được học thêm nhiều bài ca lịch sử, bài ca hướng đạo, được chơi, học thêm nhiều môn kỹ thuật Hướng đạo, được sinh hoạt gần như một đoàn Hướng đạo Phật giáo.

Ngày ấy, trong xóm tôi, cũng có vài bạn bè, đồng trang lứa, tham gia phong trào Hướng đạo. Muốn được chơi Hướng đạo, chúng tôi phải về tận thành phố Huế, cách xa nơi cư trú đến bốn năm cây số. Thời ấy, lũ học sinh chúng tôi đi chân đất, hoặc mang guốc xà lang bằng gỗ mức, sang hơn một chút, mới có được đôi guốc sơn, hay đôi xăng đan và thường xuyên cuốc bộ. Cả xóm tôi, chỉ có độc nhất một chiếc xe đạp của anh Khánh, anh ruột bạn Ngọc. Nhìn thấy bạn bè mặc đồng phục Hướng đạo, với áo nâu, quần sọt xanh, đầu đội nón lá, tay khoác gậy tre cán giáo, bịt sắt nhọn một đầu… tôi thèm lắm! Tuy chưa được vào Hướng đạo, nhưng tôi đã được bạn bè bày cho các trò chơi, bài hát Hướng đạo, thích nhất là tiếng gọi Hướng đạo quốc tế. Muốn dễ nhớ, dễ thuộc, cứ lặp đi lặp lại câu: “Kìa con chó, con vàng, con vện, chạy chạy, chạy hoài!”

Tức là: “Là la lá la là la lạ lạ lạ lạ là

Rồi tập huýt gió. Có đứa sún răng, huýt gió không kêu, văng cả nước miếng. Khoái nhất là dùng tiếng gọi Hướng đạo quốc tế để kêu nhau, dễ nhận là bạn bè, là anh em với nhau. Muốn gọi nhau đi chơi, đi học, đá bóng khỏi cần phải la lối ỏm tỏi tên của nhau, khiến ai cũng biết, chỉ cần đứng ở đầu ngõ, huýt sáo! Nghe được mật khẩu, dù đang làm gì, cũng bỏ dở, chạy ra gặp bạn đã.

Hồi còn sinh hoạt trong ban đồng ấu Phật tử, vào một buổi sáng tinh sương, chúng tôi sờ soạn nối đuôi nhau, di chuyển hàng một, rảo bước theo anh trưởng ban Lê Quang Đạt, từ ngôi chùa Bửu Lâm, xuyên rừng thông đến chùa Từ Hiếu. Trong làn sương sớm, bỗng thấp thoáng một bóng người chống gậy, đang băng qua đồi. Anh Đạt huýt sáo, níu chân anh kia dừng lại, chuyện trò. Thì ra hai anh bạn Hướng đạo gặp nhau.

Tôi vốn là con một, là “hủ mắm treo đầu giàn” của mẹ tôi, nên rất được cưng chiều, không cho đi đâu xa. Nhà ở gần bờ sông, phía sau nhà là bến tắm, nhưng mỗi lần xin tắm sông, đều được mẹ dẫn đi. Tôi muốn sà ngay xuống nước để hụp lặn, nhưng mẹ ngồi trên bờ, hoặc bước xuống sông vài bước, một tay nắm chặt tay tôi, tay kia cầm cái gáo dừa, cứ thế, mẹ múc từng gáo dội lên đầu, lên cổ, lên khắp cả người. Tôi thèm được hụp đầu, thèm được rà rà dưới nước để chặn bắt mấy con cá bống cát, đang gương đôi mắt trắng dã như thách thức, nhưng tay đã bị mẹ nắm chặt, hết đường hoang nghịch.

Mẹ chăn giữ tôi cẩn thận như vậy, thế mà có hôm, thừa lúc mẹ đi chợ, tôi lẻn xuống sông bắt cá, không may bị sẩy chân, nhờ có bác Huấn đang giặt áo quần gần đó, chụp tay, kéo lên. Hôm đó tôi bị quất mấy roi thật đau, rồi theo mẹ xuống sông, mẹ mang theo bảy cây hương, bảy nắm cơm, bảy miếng trưng, dẫn tôi từ dưới sông lên nhà, chốc chốc lại cắm một cây hương, thả một gói cơm và trứng, bảo tôi lượm ăn, cho đến khi hết, để hù ba hồn, bảy vía của tôi đang xiêu lạc dưới nước… Bởi thế, xin được mẹ cho theo bạn bè về thành phố để chơi Hướng đạo là một đại kỳ công của tôi ngày ấy. Anh Đạt và các bạn tôi phải mấy lần đến nhà, hứa hẹn bảo đảm an toàn, nể nang anh Đạt, cực chẳng đã mẹ tôi mới đồng ý. Thế là tôi được may quần sọt xanh, được các bạn chỉ dẫn cho cách nhuộm nâu áo sơ mi (Thuở ấy, Hướng đạo sinh mặc áo sơ mi màu nâu).

Tôi tim đến gốc bàng cổ thụ trước nhà máy vôi Long Thọ, dùng rựa vạt một lô một lốc vỏ cây bàng, đem về nấu sôi, để nguội, rồi ngâm áo vào. Muốn khỏi phai màu, tôi đem áo vùi xuống bùn non, phía sau nhà, nhúng đi nhúng lại cho thật đều, màu nâu đã chuyển sang màu đà đậm. Tôi còn phải theo đứa bạn học cùng lớp về nhà nó, tìm đến ruồng tre cán sau vườn, chọn thật kỹ, rồi chặt một cây tre già, mắt ngắn vừa tầm tay nắm, thân thật thẳng, đoạn nào hơi cong, phải nhờ bạn đốt lửa để uốn lại. Sau cùng đến lò rèn bác Toại ở xóm chợ, năn nỉ bác rèn cho một cái đót sắt, nhọn, để tra vào đầu gậy. Chưa hết, còn phải lấy que sắt, nung lửa, khắc lên phần trên đầu gậy, huy hiệu hoa huệ, tên đơn vị…

Sau mấy phiên họp đoàn với thường phục, một sáng Chủ nhật nọ, tôi diện bộ đồng phục Hướng đạo vào, soi gương và được mẹ ngắm đi ngắm lại, rồi lúng túng khoác gậy, đội nón, bước ra đường, theo chân mấy bạn Hướng đạo, cùng đơn vị, đi hàng một, rảo bước tiến về thành phố, đến đoàn quán ở đường Nguyễn Huệ và thế là cuộc đời Hướng đạo của tôi bắt đầu.

Chúng tôi thuộc Liên đoàn Cờ Lau, Thiếu đoàn Đinh Bộ Lĩnh, Huế thứ 7 (Liên đoàn Cờ Lau ngày ấy do trưởng Tráng Trang – Sơn Ca vui – làm Liên đoàn trưởng, có đến 3 thiếu đoàn, Đinh Bộ Lĩnh A, B, C do anh Khuê, anh Sính, anh Thông, anh Duyên làm Thiếu trưởng), Thiếu trưởng của tôi là anh Hải Ly Bùi Duyên, học sinh năm cuối đệ nhị cấp, trường Trung học Khải Định – Huế.

Tôi không nhớ rõ, về sau anh Duyên đi đâu, chỉ nghe nói anh công tác ở Trung ương đoàn – Hà Nội. Gần đây, khi đọc cuốn “Tìm hiểu phương pháp giáo dục thanh thiếu niên của phong trào Hướng đạo Việt Nam và Thế giới” của anh Ngô Văn Phương, trong phần danh sách “Hướng đạo sinh của ngành giáo dục và một số ngành khoa học kỹ thuật” tôi thấy tên anh Thiếu trưởng cũ của tôi – Trưởng Hải Ly, Bùi Duyên, Giáo sư, Vụ trưởng tại Bộ Đại học. Trưởng Duyên ra đi, giao Thiếu đoàn Đinh Bộ Lĩnh lại cho Trưởng Nguyễn Duy Thu Lương, là giáo sư Anh văn của tôi, tại trường Trung học Khải Định – Huế.

Đội Hướng đạo đầu tiên trong cuộc đời Hướng đạo của tôi là đội Đại Bàng – “Đại Bàng: Vững”, do anh Cao Xuân Hạo làm đội trưởng, anh Hạo là học sinh đệ nhị cấp rất đa năng, đa tài, biết tiếng Đức, rành âm nhạc, ngay từ thời còn là học sinh. Thời ấy, mỗi lần đi cắm trại, chúng tôi đều mang ba lô vuông nòng gỗ, bọc vải, riêng anh đội trưởng của chúng tôi dùng cái ba lô bằng da, có phéc mơ tuya và mang giày da cao cổ. Đội ca của nhà Đại Bàng chúng tôi do chính anh đội trưởng sáng tác, ngắn gọn, âm điệu hào hùng, ý nghĩa súc tích. Đội chung tôi rất hãnh diện về bài đội ca của mình. Ngoài đội ca, anh còn viết một số bài hát khác cho đội hát chung. Nội dung bài hát như một bản anh hùng ca:

“Kìa trông cánh chim bằng bay
Cầm tay ta ca hát vang lừng
Như chim bằng một lòng không sờn
Kìa giang sơn đang trông ngóng
Máu anh hùng thề đem chiến đấu
Dẫu phơi thây đừng phai lòng son”.

Đội Đại Bàng chúng tôi thuở ấy có đủ túc số 8 anh em, tất cả đều là học sinh trưởng trung học Khải Dịnh. Anh Cao Xuân Hạo, đội trường, anh Mai Duy Hồ, đội phó; sáu đội sinh còn lại là anh Tôn Thất Ngọ, Bửu Tu, anh ích, anh Túc, tôi và một bạn nữa tôi không nhớ tên, chỉ nhớ anh ấy là cháu thầy Phan Thanh Hy, giáo sư môn Quốc văn trường Khải Định.

Sau ngày anh Hạo rời đội, anh đội phó Mai Duy Hồ lên cầm đội và anh Tôn Thất Ngọ lên làm đội phó. Thời gian này, trường Khải Định bị quân Pháp chiếm đóng, thầy trò chúng tôi phải chuyển qua học trong đại nội, tại các cung điện của nhà vua. Anh em Đại Bàng chúng tôi thường ở lại trưa tại trường, ăn cơm chung với nhau trên lầu Ngọ Môn, Kỳ đài hoặc các cổng thành. Ăn xong, họp dội, học chuyên môn, tập đánh sémaphore, từ kỳ đài sang các cổng thành.

Có hôm, vô ý, ăn cơm trưa ngay dưới vòm cửa kỳ đài, vừa giở cơm bới, muối mè, muối sả, tôm rim, thịt kho ra, chưa kịp ăn, thì một cơn gió đột ngột thổi lồng vào vòm cửa, bay thốc cả nón mũ, nhìn lại thức ăn cũng bay sạch, chỉ lượm lại được mấy con tôm rim, mấy miếng thịt kho. Có một hôm sau bốn giờ học buổi sáng căng thẳng, chúng tôi vượt qua mấy chục bậc cấp cửa thành Thượng Tứ, vừa đặt chân lên nền lầu tứ giác, anh đội phó bỗng đứng khựng lại. Thấy chuyện lạ, anh đội trưởng Hồ nhanh chân bước lên, liếc qua hiện trường, anh Hồ vội phất cờ sémaphore, ra lệnh cho đội dừng lại, quay đàng sau “người ngậm tăm, ngựa bỏ nhạc” im lặng rút lui có trật tự “để bảo toàn lực lượng’. Thì ra lầu tứ giác đã bị chiếm, họ chỉ có một đôi, nhưng “hiệp đồng chiến đấu gắn bó”, quyết tiến chiếm mục tiêu. Phe ta, lực lượng hùng hậu gấp ba, nhưng môi trường nhiễm độc, đành chịu đầu hàng vô điều kiện.

Cho đến nay, đã vào tuổi cổ lai hy, tôi vẫn còn nhớ mãi, nhớ mãi, đội Đại Bàng với bài đội ca hào hùng ngày nào. Thỉnh thoảng, tôi còn hát nhẩm một mình:

“Mặt trời vừa ló, con chim đại bàng
Cất cánh vút bay lên đỉnh non cao
Nhìn thẳng vừng ô giương đôi mắt vàng
Và khoan thai trông xuống nơi bụi mù bay…”

Mỗi khi đến chơi với một đơn vị Hướng đạo nào, nếu ở đó có đội mang tên Đại Bàng, đội cũ của tôi ngày trước, là tự nhiên tôi cảm thấy thương mến, gắn bó như được gặp lại người thân, tôi lân la trò chuyện và gạ gẫm các em học với tôi bài đội ca Đại Bàng thân yêu của tôi.

Cho đến nay, các chú Đại Bàng non trẻ ngày nào, sau một thời gian được vui chơi, học tập dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của các huynh trưởng và con chim đầu đàn, trong tinh thần huynh đệ, dân chủ, tự giác, tự lập, tự cường, đảm nhận và chu toàn các trách nhiệm được phân công, để tự rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, được sinh hoạt, vui chơi, cùng các đơn vị bạn, giữa môi trường thiên nhiên, với phương pháp giáo dục tối ưu, của phong trào Hướng đạo, thể hiện qua ba lời hứa, mười điều luật, hệ thống đẳng thứ, chuyên hiệu, đặc biệt là phép hàng đội… bọc đường bằng các loại hình trò chơi, các thử thách, thi đua, hấp dẫn, hào hứng, phù hợp với tâm sinh lý tổng quát và khác nhau của từng độ tuổi, tự thắng mình để tiếp tục thăng tiên và hoàn thiện việc giáo dục cá nhân, đã dần dần vững cánh, rồi lần lượt tung bay khắp bốn phương trời của đất nước, tự thân nỗ lực không ngừng, để đạt đến những đỉnh cao của trí tuệ… trở thành những công dân yêu nước, hữu ích cho cộng đồng xã hội, như giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học, Đội trưởng Cao Xuân Hạo; kỹ sư cơ khí luyện kim, Đội phó Mai Duy Hồ; kỹ sư cầu cống, Đội phó Tôn Thất Ngọ; cùng một số công chức các ngành chuyên môn khác như y tế, giáo dục, khoa học…

Tôi nghĩ rằng, dù ra Bắc, vào Nam, hay bám trụ tại quê hương, dù đảm trách nhiệm vụ gì, các đội sinh Đại Bàng ngày nào, vẫn tiếp tục sống với ba lời hứa và mười điều luật Hướng đạo, vẫn còn vang vọng trong tâm tư tình cảm bài đội ca ngày nào, vẫn chưa quên bốn câu kết chứa chan tình huynh đệ Hướng đạo ruột thịt:

“Ta chim Đại Bàng,
Anh em một nhà cùng nhau
Ta ca hát vui đùa
Ta chim đại bàng,
Hứa quyết không đời nào quên nhau!
Ta bay vút!”

Chân thành cảm ơn quý Trưởng và mến tặng các Đội trưởng, Đội phó, đội sinh Đại Bàng, thiếu đoàn Đinh Bộ Lĩnh, Huế thứ 7.

Báo điềm đạm / Lê Bá Ngữ, Đội sinh Đại Bàng

Có một phản hồi

  1. Thực là cảm ơn Anh Báo Điềm Đạm Lê Bá Ngữ; bài Anh post lên Blog em, thật là một hân hạnh. Rất mong nhận được nhiều bài từ Quý Anh – Quý Trưởng.
    TABTT cùng kính chúc Quý Anh trường thọ – lạc phước viên mãn.
    Kính.