THÁM DU – SƠ ĐỒ GILWELL

Tiêu chuẩn

THÁM DU
Trong đề mục này, các Đoàn sinh phải trải qua phần huấn luyện: Bản đồ, địa bàn, cắm trại, nấu ăn, quan sát…để khi đi thám du biết tự lo liệu lấy cho mình. Khi đi thám du Đoàn sinh phải tuân thủ những quy trình sau đây.
1.Đi bộ một mình hay với một vài đoàn sinh khác, trong vòng 24h phải đi ít nhất là 20km và tự cắm trại, nấu ăn lấy.
2.Trong khi đi, phải vẽ lộ trình đầy đủ và đúng đắn theo chỉ thị mà Trưởng đã cho.
3.Sau khi ve, kỳ hạn một tuần, phải nộp cho Trưởng một báo cáo gồm có:
· Lược đồ con đường
· Nhật ký thám du, cùng những điều đã thấy, đã làm dọc đường, những hình ảnh và ký hoạ, số liệu phải cụ thể
Lưu ý: phải nộp tất cả giấy nháp thật sự chứ không phải bản sao sạch sẽ mà thôi.
Tuỳ theo chỉ thị của Trương, đoàn sinh phải chú ý với địa thế, dân cư, động thực vật, di tích…
Về nhật ký thám du: đây là một trong nhật ký được ghi chép hàng giờ (không cần phải trình bày như một tác phẩm nghệ thuật) mà phải ghi rõ ràng, dễ hiểu, kèm theo những hình ảnh tốc họa (không cần phải thật giống, thật đẹp, vì chúng ta không phải là hoạ sĩ).
Lộ trình thám du được các Trưởng ấn định kèm theo lời dặn hay chỉ thị cụ thể.

SƠ ĐỒ GILWELL

VẼ LỘ TRÌNH
Có 2 cách vẽ lộ trình
1. CÁCH THỨ 1
Khá đơn giản nhưng phải có bản đồ mà trong đó có đường mà ta sẽ thám du.
Ta phóng lớn đoạn đường đó theo tỷ lệ (phải đánh dấu hướng Bắc). Với bản đồ này, trong lúc thám du ta sẽ bổ túc những chi tiết còn thiếu hay đã đổi khác.
Thường thì bản đồ được in khá lâu trước đó, cho nên không còn những hình ảnh chính xác như lúc ta đang đi thám du.

2. CÁCH THỨ 2
Sơ đồ Gilwell trực chiếu
Đây là một phương pháp xuất phát từ trại trường Gilwell (Anh Quốc). Phương pháp này dùng đường thẳng để ghi lộ trình và đo chiều dài bằng bước đôi.
Vật dụng để vẽ:
· Sổ có kẻ ô vuông (để tính tỷ lệ).
· Địa bàn.
· Bút chì.

CÁCH VẼ SƠ ĐỒ GILWELL TRỰC CHIẾU
Trước hết ta chia giấy ra làm 6 cột, lần lượt ta ghi từ trái sang phải (xem minh hoạ).
Cột 1 = ghi thời gian để đi từng đoạn đường.
Cột 2 = ghi chú những điểm nhận thấy bên trái con đường.
Cột 3 = ghi chú những chi tiết trên chính con đường.
Cột 4 = vẽ lộ trình, bên phải, bên trái con đường.
Cột 5 = ghi chú những điều nhận thấy bên phải con đường.
Cột 6 = ghi khoảng cách của từng đoạn đường.
TỶ LỆ XÍCH
Tỷ lệ xích của sơ đồ Gilwell là tỷ lệ tương đối, tuy nhiên, ta cũng đừng chọn tỷ lệ quá lớn, để rồi sau đó phải trãi dài trên nền nhà, ta mới nhìn hết lộ trình. Thường thì ta nên chọn tỷ lệ 1/10.000. Có nghĩa là 1cmm trên sơ đồ là 100m, ngoài địa thế.
CÁCH VẼ
Lộ trình được vẽ bắt đầu từ dưới vẽ dần lên, hết tờ này đến tờ khác (lưu ý: chỉ vẽ một mặt giấy). Hình vẽ con đường gần như là một đường thẳng. Mỗi lần qua khúc quanh, đổi hướng, ta gạch một đường thẳng từ trái sang phải của tờ giấy. Hướng Bắc được thay đổi ở mỗi lần gạch này. Ta hướng đường thẳng trong sơ đồ cho song song với lộ trình ở ngoài địa thế. Đoạn đặt địa bàn lên sơ dồ, ta thấy hướng Bắc chỉ về hướngnào thì ta vẽ mũi tên về hướng đó.
Bắt đầu đoạn thứ nhất:

– Cột thứ 1: ta ghi ngày tháng và giờ khởi hành, và toàn bộ thời gian mà ta đã đi hết đoạn đó.
Thí dụ: 12/5/95-8h30ph-35phút.
– Cột thứ 2: ta thấy trường phổ thông, thì ta ghi nhận nó.
– Cột thứ 3: đường nhựa.
– Cột thứ 4: hình vẽ con đường, bên trái là trường THCS, bên phải là bãi cát.
– Cột thứ 5: ta ghi bãi cát.
– Cột thứ 6: ta ghi khoảng cách 700m, và cứ tiếp tục đoạn 2, 3…
Để cho sơ đồ khỏi rườm rà, ta dùng ký hiệu bản đồ, để diễn tả chi tiết về địa thế, kiến trúc…Nếu đặt ký hiệu thì phải ghi chú ý nghĩa, giúp người đọc hểu rõ ý của ta.

Nếu có đoạn lên dốc hay xuống dốc. Ta không thể vẽ vòng cao độ như trong bản đồ, thì ta dùng ký hiệu lên dốc(xuống dốc)(< ;>).
Để giúp người đọc dễ hiểu rõ sơ đồ, ta ghi chú vắn tắt ở cột thứ ba tình trạng con đường (tốt, xấu, đường nhựa, trãi đá, đất, ổ gà, lầy lội).Ở phía bên đường (cột 2 hay cột 5), ta ghi những điểm cố định của địa hình (như nhà cửa, khách sạn, đình chùa, ao, giếng…). Không ghi những điểm mơ hồ (như đàn bò, nông dân cày cấy).
Sau cùng để có con đường như trên thực tế, ta dùng giấy mờ để đồ lại, sao cho mũi tên chỉ hướng Bắc đều nằm trên một đường thẳng theo một hướng.

VẼ SƠ ĐỒ GILWELL TRỰC CHIẾU
VẼ THÀNH SƠ ĐỒ ĐỊA HÌNH
Trong sơ đồ Gilwell, ta vẽ những mũi tên trong những lần đổi hướng (mũi tên chỉ hướng bắc). Bây giờ ta tập họp những đoạn đường giống như thực ngoài địa hình.

Muốn như vậy, ta sẽ làm lần lượt như sau:
1. Lấy một tờ giấy bóng mờ, trên đó vẽ một đường thẳng định hướng Bắc (từ dưới lên trên tờ giấy).
2. Đồ từng đoạn trên sơ đồ Gilwell lên giấy bóngmờ. Bắt đầu từ đoạn khởi hành. Nhưng phải nhớ: Mũi tên chỉ hướng Bắc trong phác họa đồ phải song song với hướng bắc của đoạn kế ta định đồ.
3. Trước khi đồ tiếp theo từng đoạn ta xoay tờ giấy mờ để hướng Bắc của nó song song với hướng Bắc của đoạn kế ta cần đồ.
4. Cứ tiếp tục như vậy cho đến hết con đường đã đi qua.
Sau khi đồ hết sơ đồ Gilwell lên giấy mờ, ta có một sơ đồ địa hình có dạng giống như thực tế được thu nhỏ theo tỷ lệ.
Sau cùng ta tô màu và ghi chú theo ước hiệu của bản đồ.

TỜ TRÌNH THÁM DU
Hãy nhớ: sau khi thám du về, trong vòng một tuần, phải nộp tất cả phúc trình, báo cáo, tranh vẽ, hình chụp, tiêu bản…(kể cả giấy nháp) và nhật ký thám du.
Khi làm tờ trình thám du, em hãy lưu ý đền những yêu cầu sau:
¨Mục đích cuộc thám du:( theo chỉ thị của trưởng…).
¨Khu vực thám du: (ấp, xã, huyện, tỉnh…) địa danh, tục danh.
¨Thời gian thám du: (kể từ …giờ… ngày……………đến……giờ…ngày………)
¨Thành phần tham dự: (họ tên, đẳng cấp, chức vụ, Đội, Đoàn…) số người tham dự.
¨Hình ảnh: sơ đồ trực chiến Gilwell, sơ đồ địa hình, hoạ đồ toàn cảnh(nếu có), hình chụp, hình vẽ(có thuyết minh…)
¨Tiêu bản: các tiêu bản động, thực vât, côn trùng,… mà ta thu nhập được trong khu vực thám du.
NHẬT KÝ THÁM DU
Trong đó, chúng ta mô tả việc sinh hoạt hằng ngày trong cuộc thám du.

Thời tiết: đã xảy ra và những tiên đoán (đúng, sai).
Lều trại: cơm nước.
Dân cư: (sinh hoạt, văn hoá, kinh tế, phong tục, tinh thần…)tình cảm của họ đối với phong trào, đối với du khách…
Động thực vật: Mô tả, minh hoạ, chụp hình, làm tiêu bản, liệt kê…
Địa thế: sông, suối, núi, rừng, đất cát, độ phì nhiêu, độ dốc, vực sâu…
Công trình xây dựng: Đình chùa, nhà thờ, cầu, cống, đập nước, mương, máng, trường học, tự điểm…
Di tích, vết tích: Tìm hiểu nguồn gốc, tài liệu…(chụp hình, minh hoạ).
Đường đi: khoảng cách, độ dài, loại đường, tình trạng xử dụng…
Việc thiện: những điều tốt chúng ta đã làm trong cuộc thám du.
Những điều trên, không phải chúng ta mô tả cách khô khan,cứng nhắc… Chúng ta nên thêm vào đó một chút bay bổng của thi sĩ, một chút màu sắc của hoạ sĩ, một chút tưởng tượng của văn sĩ…

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta hư cấu, dựng chuyện… Nhưng nếu đêm ta ngủ dưới lều, nghe tiếng chó sủa văng vẳng, rời rạc hay dồn dập,ta thư đoán xem chuyện gì. Tiếng côn trùng rã rích, tiếng cú rúc đêm, tiếng thú rừng gọi bạn… cũng đưa ta đến những kỷ niệm hay hình anh nào đó…
– Khi mô tả những gian lao nguy hiểm, những khó khăn mà ta phải vượt qua – ta viết sao cho sinh động.
– Cuối cùng là những nhận xét, kinh nghiêm, bái học mà chúng ta đã rút được trong cuộc thám du.
Nếu đi thám du mà không có tờ trình thám du hoặc phúc trình không đầy đủ, thì đó chỉ là một buổi “picnic” mà thôi.

HOẠ ĐỒ TOÀN CẢNH
Nếu ai đã từng vẽ bằng phương pháp ô vuông (phóng hoạ) thì rất dễ dàng áp dụng phương pháp này.

Trên đường thám du, nếu gặp một phong cảnh đẹp (mà ta lại có thì giờ) thì nên vẽ lại để thuyết minh với Trưởng. Nhưng không bắt buộc, vì thời đại bây giờ, chỉ cần đưa máy ảnh lên “click” là xong. Nhưng để có dịp thực hành tài tháo vát, ta nên trỗ tài vẽ dăm ba bức.
Muốn vẽ một tấm hoạ đồ toàn cảnh ta phải thực hiện như sau A. DỤNG CỤ:

1) Bộ khung ngắm: làm bằng “các tông” hay ván mỏng, hình chữ nhật khoảng 10*20cm, chung quanh có đục lỗ đều nhau khoảng cách 2cm để căng chỉ thành ô vuông (xem hình 1) và đánh số thứ tự trên khung ngắm, phía dưới khung, buộc một sợi dây quàng vào cổ để giữ khoảng cách.
2) Giấy vẽ: Bộ khung ngắm có bao nhiêu ô vuông ngang, bao nhiêu ô vuông dọc, thì giấy vẽ cũng vậy, nhưng lớn hơn 2 hay 3 lần tuỳ ý. Đánh số thứ tự trên giấy vẽ.
3) Giá vẽ: Nếu là dân “chuyên nghiệp” có giá vẽ xếp lại thí khỏi nói. Bằng không thì dùng miếng ván ép, bìa cứng hay một quyển sách cũng được.

B. CÁCH VẼ
– Chọn chỗ ngồi thoải mái, tầm nhìn bao quát khung cảnh muốn vẽ.
– Quàng khung ngắm vào cổ, đưa ra hết sợi dây, giữ thăng bằng, chọn cảnh nào vừa ý nhất.
1.Qua khung ngắm, ta đánh dấu những điểm chuẩn của địa hình (đỉnh núi, nóc nhà, nhà thờ, chòm cây…) vào những ô tương ứng của giấy vẽ.
– Sau mỗi lần dơ lên ngắm, ta điều chỉnh khung ngắm vào vị trí ban đầu (nhờ những điêm chuẩn vừa đánh dấu).
2.Vẽ những nét chính có liên quan đến những điểm chuẩn.
3.Thêm những chi tiết còn thiếu trên bảng vẽ cho hoàn toàn.
4.Làm nét xa gần: Gần thì nét đậm và sát nhau, càng xa càng nhạt và thưa nét dần.
Sau khi hoàn tất, có thể ghi chú (nếu cần).

(nguồn : http://www.bks.hcmut.edu.vn/home/?BiGstreet=new&BiGcode=48&BiGid=31)

Đã đóng bình luận.